Thông Cáo Báo Chí Đoàn IMF kết thúc đợt tham vấn Điều khoản IV tại Việt Nam

Ngày 21 Tháng Tư, 2022

Thông cáo báo chí cuối đợt làm việc của đoàn công tác IMF nêu những phát hiện sơ bộ sau chuyến làm việc của đoàn tại một quốc gia. Các quan điểm bày tỏ trong thông cáo này là quan điểm của các cán bộ IMF và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Ban Giám đốc Điều hành IMF. Dựa trên những phát hiện sơ bộ của đoàn công tác, các cán bộ của IMF sẽ xây dựng một báo cáo, và bản báo cáo này,  tuỳ thuộc vào sự phê duyệt của cấp quản lý, sẽ được trình lên Ban Giám đốc Điều hành của IMF để thảo luận và quyết định thông qua.
  • Các hỗ trợ chính sách và một chiến dịch triển khai tiêm chủng ấn tượng đã thúc đẩy chuyển hướng chiến lược sang sống chung với Covid sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo tăng lên mức 3,9% vào cuối năm 2022. Trong khi các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng suy giảm tăng trưởng thì các rủi ro lạm phát lại thiên về hướng làm tăng lạm phát lên.
  • Các ưu tiên chính sách nên tập trung vào củng cố phục hồi, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh chủ động theo tốc độ phục hồi, và nên được truyền thông rõ ràng cũng như triển khai thực hiện để giảm thiểu các yếu tố không chắc chắn.
  • Cần tiến hành những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn để đối phó với những thách thức về môi trường kinh doanh đã tồn tại dai dẳng, đặc biệt những thách thức đối với DNVVN, các vấn đề về chất lượng lao động, mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động, và quản trị.

Washington, DC: Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris làm trưởng đoàn đã tiến hành các cuộc thảo luận trong khuôn khổ đợt tham vấn Điều khoản IV năm 2022 với Việt Nam trong thời gian từ ngày 4 đến ngày 20/4/2022. [1] Đoàn đã thảo luận với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính (BTC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ban Kinh tế Trung ương (BKTTƯ), Quốc hội, và một số cơ quan nhà nước khác. Đoàn cũng đã gặp và làm việc với nhiều đại diện từ khu vực doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu chính sách và các bên liên quan khác.

Kết thúc chuyến làm việc, bà Dabla-Norris đã đưa ra tuyên bố dưới đây:

“Nhờ có chiến dịch triển khai tiêm vắc-xin đầy ấn tượng và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế đang hồi phục sau làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng trong năm 2021. Tuy nhiên, cho đến nay sự phục hồi diễn ra không đồng đều, khu vực dịch vụ vẫn đang hồi phục một cách chậm chạp trong khi các rủi ro tài chính và bất bình đẳng dường như đã gia tăng.

“Tiến trình phục hồi được dự báo sẽ mạnh lên nhờ Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội được thông qua gần đây. Kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Cuộc xung đột ở Ucraina được dự báo sẽ có tác động vừa phải đến tốc độ phục hồi và lạm phát. Mặc dù giá cả hàng hoá nguyên liệu thô đang tăng lên, lạm phát cho đến nay vẫn được kiểm soát và được dự báo vẫn nằm dưới mục tiêu 4% mà các cơ quan chức năng đề ra, điều này phần nào cho thấy các hoạt động kinh tế còn cầm chừng.

“Triển vọng trong thời gian tới có nhiều rủi ro đáng kể. Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng trong khi các rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát. Các rủi ro cận kề ngay trước mắt bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Các rủi ro khác là sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và những diễn biến trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Việc xây dựng chính sách nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

“Sự triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chương trình này đã ưu tiên hợp lý cho lĩnh vực y tế, phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng trung hạn. Trong thời gian tới, chính sách tài khoá sẽ cần cân bằng giữa một bên là hỗ trợ có mục tiêu mang tính tạm thời với một bên là thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Thâm hụt tài khoá chung được dự báo sẽ tăng vừa phải trong năm 2022.

“Nên tăng cường động viên thu ngân sách để tạo nguồn vốn cho việc củng cố lâu dài an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, và đối phó với những áp lực từ già hoá dân số. Đoàn hoan nghênh cam kết của Việt Nam nhằm đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều cần thiết là phải chuyển hoá những kế hoạch đầy tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu thành hành động, bao gồm cả việc lồng ghép tốt hơn vào dự toán ngân sách nhà nước.

“Chính sách tiền tệ nên tiếp tục thận trọng trước các áp lực lạm phát đang gia tăng. Nếu xuất hiện các áp lực lạm phát dai dẳng, NHNN nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng các yếu tố dẫn dến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát. Trong thời gian tới, chính sách tăng trưởng tín dụng nên cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính. Đoàn hoan nghênh những bước đi gần đây nhằm tăng cường sự linh hoạt của tỷ giá và hiện đại hoá khuôn khổ chính sách tiền tệ.

“Tăng cường sức chống chịu của khu vực ngân hàng là thiết yếu để hỗ trợ một cách bền vững cho tăng trưởng trong trung hạn. Nên chấm dứt nới lỏng các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng khi sự phục hồi trở nên mạnh mẽ hơn. Các quy định cho phép cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ không nên được gia hạn áp dụng sau thời hạn tháng 6/2022 vì điều này sẽ làm chậm trễ việc ghi nhận các tài sản xấu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng sai lệch và chấp nhận rủi ro quá mức.

“Công tác quản lý, giám sát khu vực tài chính nên được tăng cường để giải quyết những rủi ro đang nổi lên và xây dựng một hệ thống ngân hàng có khả năng chống chịu tốt hơn. Khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ổn định tài chính. Các khuôn khổ về thể chế và phá sản nên được củng cố để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

“Cần có những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn để hiện thực hoá khát vọng tăng trưởng bao trùm, bền vững của Việt Nam. Môi trường kinh doanh nên được cải thiện thông qua việc kiến tạo một sân chơi bình đẳng về tiếp cận đất đai, tài chính, và giảm thiểu gánh nặng các quy định quản lý, đặc biệt đối với các DNVVN và các doanh nghiệp còn non trẻ. Cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và giảm mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động. Các chính sách cần lưu tâm đến những hàm ý đối với bất bình đẳng thu nhập và tài sản, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng sẽ làm suy giảm tăng trưởng. Nên tiếp tục duy trì những nỗ lực nhằm tăng cường quản trị, khắc phục các khoảng trống dữ liệu khi Việt Nam đang hướng tới các chuẩn mực của nền kinh tế mới nổi.

“Đoàn trân trọng cảm ơn lãnh đạo và các cán bộ của NHNN, BTC, Bộ KH&ĐT, Ban KTTƯ, Quốc hội, và các cơ quan nhà nước khác, cũng như cảm ơn đại diện của các viện nghiên cứu chính sách và khu vực doanh nghiệp về những cuộc thảo luận hiệu quả. Chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết và mang tính xây dựng với Việt Nam.”



[1] Theo Điều khoản IV Điều lệ của IMF, IMF tiến hành các thảo luận song phương với quốc gia thành viên, thường theo định kỳ hàng năm. Trong đợt công tác này, đoàn cán bộ Quỹ đã thực hiện các cuộc làm việc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp với các đối tác, thu thập thông tin kinh tế, tài chính, và thảo luận với các cơ quan chức năng của quốc gia về tình hình và chính sách kinh tế. Sau chuyến làm việc này, các cán bộ của Quỹ sẽ viết một báo cáo để làm cơ sở cho Ban Giám đốc Điều hành của IMF thảo luận.

Bộ phận Truyền thông của IMF
QUAN HỆ BÁO CHÍ

NHÂN VIÊN BÁO CHÍ: Ting Yan

ĐIỆN THOẠI: +1 202 623-7100Email: MEDIA@IMF.org